Hầu như ở mọi nơi có Dừa Nước mọc lên, người dân ở đó đểu có truyền thống dùng lá Dừa Nước để xây dựng nhà ở. Những ngôi nhà được lợp từ lá Dừa Nước nằm bên bờ ao, kênh rạch còn là hình ảnh văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ Việt Nam.
Lá Dừa Nước được thu hoạch trên những cây trưởng thành từ 6 – 7 năm. Mùa thu hoạch rơi vào tháng 1 đến tháng 2, lá Dừa Nước sẽ già, đậm màu và chắc chắn. Khi cắt lá Dừa Nước, người ta thường tạo một góc 45º và độ cao vết cắt so với mặt đất từ 0,6 – 1 m tùy thuộc vào mật độ Dừa Nước trong khu vực trồng [2].
Lá Dừa Nước sau khi phơi sẽ có độ bền cao, chống thấm nước. Vì vậy, lá sẽ được kết lại thành từng tấm lớn, dùng để lợp mái, tấm ngăn để dựng nhà, hoặc đan thành tấm để che nắng, che mưa. Chằm lá dừa ở Việt Nam và các nước khác đã trở thành một nghề truyền thống và là nguồn thu nhập chính của người dân khi mang các tấm chằm lá Dừa Nước đi buôn bán.
Lá Dừa Nước còn được chế tác thành những phụ kiện trang phục như áo, mũ, túi đựng, … mang đến cảm giác mát mẻ, gần gũi và thân thiện với môi trường. Cuống và lá nước khô vẫn được sử dụng để tạo thành những vật dụng cần thiết khác như phao cho lưới câu, cần câu, chổi, rổ, thảm trải nhà, đồ trang trí … hoặc tích trữ để làm củi đốt.
Người dân Nam Bộ còn sử dụng Lá Dừa Nước để gói bánh. Lá Dừa Nước để gói bánh phải là lá dừa non, mềm, dai và có màu trắng ngà. Những chiếc bánh lá dừa, bánh ít, bánh tét được gói bằng Lá Dừa Nước cho màu sắc đặc trưng, mùi thơm dịu ngọt, hòa quyện cùng nếp và nhân bánh làm người thưởng thức cảm nhận trọn vẹn hương vị của mảnh đất sông nước phù sa.
Ở Malaysia và Indonesia, lá Dừa Nước non được sử dụng để gói thuốc lá. Các lá non khoảng 5 – 6 tháng tuổi, vừa xòe cánh lá được thu hoạch. Người ta tỉa hết lá và chỉ giữ lại cuống lá. Cuống lá sau đó được những người có kinh nghiệm bóc tách thành nhiều lớp mỏng hơn rồi phơi nắng khoảng 1 ngày. Thuốc lá được cuốn bằng lá dừa non hoàn toàn không chứa hóa chất độc hại như giấy và cho mùi lá tự nhiên rất đặc trưng.
Phần cánh hoa của hoa Dừa Nước được hái và phơi khô để làm trà. Trà từ hoa Dừa Nước có hương thơm và vị đặc trưng, màu vàng nậu đậm, chứa hàm lượng cao các hợp chất phenolics và kháng oxy hóa.
Phần Cơm Dừa Nước là lớp nội nhũ mềm, màu trắng đục, có nước bên trong và ăn được. Để thu được hạt Dừa Nước đủ độ chín và vừa ăn, không quá nhão hoặc quá cứng, người dân phải dựa vào kinh nghiệm quan sát quả Dừa Nước. Khi quài dừa bắt đầu nghiên xuống mặt đất, các quả Dừa Nước sẽ được thu hoạch [9]. Các quả riêng biệt được tách đôi ra bằng dao vào nạo ra phần Cơm Dừa Nước. Cơm Dừa Nước còn được gọi là atap chi, là một nguyên liệu để sản xuất mứt và đồ đông lạnh ở Malaysia [10]. Ở Việt Nam, Cơm Dừa Nước thường được pha với nước đường và sử dụng lạnh hoặc nấu chè, là những món ăn thơm ngon rất được ưa chuộng bởi nhiều đối tượng.
Cơm dừa nước
Không chỉ được dùng để chế biến những món ăn hấp dẫn, ngọt ngào, Cơm Dừa Nước còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo Đông y, Cơm Dừa Nước có công dụng tương đương nhưng khí âm hàn nhiều hơn Dừa: ngọt mát, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam.
Mật Dừa Nước còn là nguyên liệu để sản xuất đường kết tinh và Mật Dừa Nước Cô Đặc. Mật Dừa Nước sau khi thu hoạch được nấu bởi nhiệt để làm bay hơi nước, làm tăng hàm lượng đường và dưỡng chất, tạo thành dịch cô đặc có dạng sệt màu nâu vàng. Mật Dừa Nước Cô Đặc được sử dụng như chất làm ngọt tự nhiên thay thế cho đường tinh luyện, mật ong và các chất làm ngọt nhân tạo khác. Mật Dừa Nước Cô Đặc phù hợp với người bệnh tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng; hỗ trợ hệ tiêu hóa, thanh nhiệt, tiêu độc, tăng cường sức đề kháng.