I. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC.. 1
II. ĐẶC TÍNH CỦA CÂY DỪA NƯỚC.. 2
2.1. Hình thái 2
2.2. Đặc điểm sinh học. 6
2.2.1. Nảy mầm và phát triển. 6
2.2.2. Điều kiện sinh trưởng. 8
III. PHÂN BỐ CỦA CÂY DỪA NƯỚC.. 10
3.1. Trên thế giới 10
3.2. Tại Việt Nam.. 11
3.3. Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. 12
IV. GIÁ TRỊ SỬ DỤNG CỦA CÂY DỪA NƯỚC.. 14
4.1. Lá Dừa Nước. 14
4.2. Hoa và quả Dừa Nước. 18
4.3. Mật Dừa Nước. 20
4.4. Các công dụng khác. 25
Hình ảnh Cây Dừa Nước (Nipa Palm)
Cây Dừa Nước (Nipa Palm) thuộc chi Nipa, họ Cau (Palm) và là loài duy nhất trong họ này sinh trưởng ở môi trường đầm lầy. Đây là loài thực vật rất phổ biến và phân bố rộng khắp tại khu vực Châu Á, được tìm thấy chủ yếu ở khu vực rừng ngập mặn, vùng nước lợ, đầm phá và ven biển,… Dừa Nước còn được gọi là “dừa lá” và có một số tên gọi phổ biến khác như “chak” ở Thái Lan, “nipa” ở Philippines, “dani” ở Myanmar và “atap palm” ở Singapore. Cây Dừa Nước đã xuất hiện rất lâu trong đời sống con người và trở thành một loài thực vật hữu dụng, từ vật liệu xây nhà cho đến làm thực phẩm. Chúng cũng có chức năng quan trọng trong việc giữ đất vùng rừng ngập mặn và làm giảm thiểu các tác động xấu đến từ môi trường như bão, sóng, thủy triều cho các vùng ven biển.
Cây Dừa Nước mọc ven các bờ nước, có thân ngầm dưới mặt nước và chỉ có thể quan sát được lá và cuống hoa của cây. Thân Dừa Nước có thể lớn đến đường kính 45cm, mang nhiều sẹo lá xếp chồng lên nhau.
Lá Dừa Nước mọc thành cụm từ 6 đến 8 lá thành hình vương miện, có đường kính tới 75cm [2]. Mỗi lá Dừa Nước khi trưởng thành có thể cao từ 3 – 9 m, vươn lên theo chiều thẳng đứng như chiếc lông chim. Lá non đâm lên từ giữa cụm lá, phát triển lớn dần và đẩy các lá già hơn ra bên ngoài. Lá già bắt đầu khô và gãy rụng, để cuống lá nằm lại trên bề mặt.
Giữa các nách lá Dừa Nước, các cuống hình trụ dài - còn gọi là quài dừa – mọc ra thành cụm hoa ngay đỉnh đầu. Chúng rất dễ nhận biết với màu sắc nổi bật từ vàng đến da cam. Hoa đực mọc thành cặp, màu đỏ hoặc vàng và có dạng đuôi sóc, còn hoa cái có cụm hoa hình cầu.
Buồng/Quài Dừa Nước
Cụm quả Dừa Nước phát triển từ cụm hoa cái có dạng hình cầu lớn, đường kính khoảng 30 cm. Các quả bị ép thành hình tháp có các cạnh không đều. Vỏ quả bên ngoài quả nhẵn bóng và có màu nâu đến đen nhạt, lớp giữa có sợi và lớp trong cùng dày. Phần Cơm Dừa Nước màu trắng đục, dẻo và ăn được. Quả non cho nước trong, còn quả già chỉ cho lớp cơm dày, cứng và không có nước. Một cụm quả có thể cho từ 88 – 133 quả.
Nảy mầm và phát triển
Các quả Dừa Nước khi chín sẽ bắt đầu nảy mầm trên cây. Rễ phát triển đẩy quả rơi khỏi ra ngoài. Quả Dừa Nước chín sẽ được dòng nước phân tán rộng đến những bãi bồi hoặc đầm lầy. Tại đây, rễ chính sẽ mọc dài ra và đâm sâu xuống mặt đất, bắt đầu phát triển thành cây con.
Cây Dừa Nước con cho ra các nhánh lá non đầu tiên từ 3 đến 6 tháng sau khi nảy mầm. Cây Dừa Nước liên tục ra lá non và đẩy các lá già ra bên ngoài liên tục suốt vòng đời của nó trong khoảng 50 năm
Sau khoảng 3 đến 4 năm, Dừa Nước bắt đầu cho ra hoa. Hoa cái được thụ phấn tự nhiên nhờ loài côn trùng thuộc họ Ruồi giấm (Drosophilidae) rồi phát triển thành quả.
Cây Dừa Nước là loài cây nhiệt đới, do đó điều kiện khí hậu tốt nhất cho cây sinh trưởng là vùng ẩm ướt với lượng mưa hơn 100 mm/tháng và nhiệt độ trung bình cao từ 20 đến 35 oC. Cây Dừa Nước mọc nhiều ở vùng nước lợ, nhất là các vùng cửa sông có thủy triều lên xuống hoặc dọc theo các kênh rạch, ao hồ vùng ven biển, với độ mặn của nước từ 1 – 9 mg/l. [2] Chúng ta vẫn có thể bắt gặp Dừa Nước xâm nhập vào đất liền cách cửa sông hàng chục ki lô mét. Đất bùn hoặc phù sa giàu mùn với độ chua khoảng 5 là điều kiện ưa thích cho Dừa Nước phát triển mạnh.
Có thể tìm thấy loài Dừa Nước ở rất nhiều nơi trên thế giới, tại các vùng đất ngập mặn khu vực ven biển có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Dừa Nước trải rộng từ Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh…), qua Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Phillipines…) cho đến Tây Thái Bình Dương (Papua New Guinae, Úc, New Zealands). Ngoài các khu vực bản địa ở châu Á, Dừa Nước còn được đem đến châu Phi và châu Mỹ vào đầu thế kỷ 20 và được trồng tại những vùng có điều kiện khí hậu tương tự
Cây Dừa Nước chủ yếu phát triển tự nhiên. Lâm phần Dừa Nước tự nhiên lớn nhất thế giới được tìm thấy ở Indonesia (700.000 ha), Papua New Guinea (500.000 ha) và Phillipines (8000 ha) [5]. Tại các nước Đông Nam Á, Dừa Nước cũng đã được trồng trên các ruộng lúa nước vị nhiễm mặn hoặc các đầm nuôi tôm không còn canh tác để phục hồi hệ sinh thái nước lợ cho các vùng này. Các quả Dừa Nước đã nảy mầm được trồng xuống các hố dưới mặt đất.
Dừa Nước ở Việt Nam phân bố ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ. Cây tập trung nhiều ở các vùng nước lợ và cửa sông của các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Dừa Nước được mang ra trổng thử ở miền Bắc tại bến phà Rừng, Quảng Ninh và cho kết quả sinh trưởng, phát triển tốt.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh là khu vực tập trung hệ đông thực vật vô cùng đa dạng và đặc trưng, nơi giao hòa giữa hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn, trên cạn và dưới nước. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2000. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam, với diện tích khoảng 75.740 ha và đang tăng dần. Rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi sinh trưởng của khoảng 150 loài động thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm và đặc trưng. Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ mang lại những giá trị vô cùng to lớn, vừa bảo tồn và phát triển tính đa dạng sinh học, vừa ngăn ngừa tác động xấu từ biến đổi khí hậu cho đất liền.